Chiếc ốc vít được phát hiện ở Trung Quốc được cho là tương tự đinh vít tìm thấy ở Nga vào những năm 90. Cả 2 đều có niên đại lên đến 300 triệu năm tuổi, điều này đang thách thức giới khảo cổ và lịch sử học. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây có thể là bằng chứng của nền văn minh thời tiền sử.
Chiếc ốc vít nằm trong đá được phát hiện ở Lan Châu, Cam Túc, Trung Quốc. (Ảnh: Ancient Code)
Ốc Lan Châu được phát hiện vào năm 2002 đã thu hút đông đảo sự chú ý của các nhà sưu tập và các nhà nghiên cứu. Phần bí ẩn nhất của vật thể này là chiếc ốc vít nằm bên trong một viên đá. Hòn đá hình quả lê có kích thước khoảng 6 × 8cm, nặng khoảng 466g.
Đây không phải là một loại đá phổ biến cộng với chiếc ốc vít kim loại bên trong đã làm tăng thêm sự huyền bí cho hòn đá này.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Nghiên cứu Khoáng sản Trung Quốc cho biết, ốc Lan Châu được tạo ra trước khi bị lớp đất đá kiên cố bao bọc, quá trình này được cho là diễn ra trong 300 triệu năm.
Thực tế, hòn đá quái lạ trên đã khiến các nhà địa chất phải “đau đầu”. Các cuộc kiểm tra đã thất bại trong việc xác định chính xác thành phần của nó.
Tất cả các nhà nghiên cứu gồm các nhà địa chất học và các nhà vật lí học thuộc các ban ngành khác nhau ở Trung Quốc đều không đưa ra được kết luận chắc chắn về nguồn gốc của món đồ tạo tác này.
Nhiều giả thuyết đã được đề xuất nhằm cố gắng giải thích nguồn gốc của hòn đá và thanh kim loại. Trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu tin chắc đây là hiện vật của một nền văn minh thời cổ đại, thì các nhà nghiên cứu khác lại gợi ý, với thành phần bí ẩn của hòn đá, có khả năng cả đá và ốc vít kim loại đều có nguồn gốc từ một hành tinh khác. Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc kết luận rằng hiện vật này không được sản xuất trong thời hiện đại, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là: Đây là một sản phẩm của nền văn minh thời tiền sử.
Rất có thể còn nhiều điều chưa được chúng ta biết đến trong lịch sử xa xôi của nhân loại. Lịch sử và khảo cổ học rõ ràng không phản ánh toàn bộ bức tranh về quá khứ của chúng ta và các vật thể như ốc Lan Châu là bằng chứng cho chuyện này.
Bên cạnh đó, người ta tin rằng chiếc đinh vít được phát hiện ở Nga vào những năm 90 cũng được làm ra cách đây 300 triệu năm. Chúng cũng nằm gọn trong những hòn đá và được tìm thấy ngẫu nhiên khi các nhà khoa học đến nghiên cứu 1 thiên thạch vừa rơi xuống vùng Kaluga. Chiếc đinh vít hơn 300 triệu năm tuổi nằm trong đá được phát hiện ở Nga. (Ảnh: mez.su)
Các cuộc kiểm tra cho thấy 1 số con ốc gắn chặt vào kết cấu của đất đá và thật kỳ lạ, tuổi của chúng phù hợp 1 cách chuẩn xác với những con ốc được tìm thấy tại Trung Quốc.
Những khám phá như trên có thể được tìm thấy ở bất kỳ đâu. nhưng có lẽ vì nó nằm ngoài lối tư duy học vấn hiện đại, nên đã không được phổ biến. Dù vậy tất cả những khám phá đó đã nói lên rằng, có thể những gì chúng ta từng biết về lịch sử và nguồn gốc loài người là hoàn toàn sai.
Có vẻ như hàng triệu năm trước, Trái đất là 1 ngôi nhà hoàn toàn khác biệt so với những suy đoán của con người ngày nay. Những vật thể được tìm thấy như ở Trung Quốc và Nga đã chỉ ra rằng các nền văn minh tiên tiến có thể đã tồn tại hàng triệu năm trước trên hành tinh chúng ta.
Một bộ phận trong giới khảo cổ học và sử học sẽ tiếp tục phủ nhận những phát hiện này, vì như đã biết, chúng có thể làm thay đổi lịch sử đã đi vào tiềm thức của con người quá lâu.
Tinh Hoa tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét